Chi tiết tin - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra
(ĐCSVN)- Thanh tra Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra. Hội nghị với sự có mặt của hơn 100 đại biểu làm công tác thanh tra của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước.
Theo Báo cáo, qua 6 năm thi hành Luật Thanh tra, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Trong các năm học, Bộ GD&ĐT đều ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra và văn bản chỉ đạo ở nhiều mặt hoạt động cụ thể.
Các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học đã ban hành nhiều văn bản triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ về công tác thanh tra. Thực hiện Luật Thanh tra 2010, trong những năm qua Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác để đạt được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra.
Hàng năm, căn cứ Luật Thanh tra, Thông tư số 01/2014/TT-TCCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ; định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý nhà nước, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ GDĐT; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm, Thanh tra Bộ xây dựng Kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Thanh tra.
Trong hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Từ 01/7/2011 đến 30/6/2017, Bộ GD&ĐT đã tiến hành 32 cuộc thanh tra hành chính (26 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 6 cuộc thanh tra đột xuất); tiến hành 86 cuộc thanh tra chuyên ngành. Theo đánh giá, công tác thanh tra hành chính được thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả.
Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức các cuộc thanh tra về dạy thêm, học thêm (DTHT), thu chi đầu năm. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm và kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm. Trong 3 năm học gần đây, Bộ đã thực hiện đổi mới về kỳ thi THPT quốc gia, Thanh tra đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thanh tra tại các Hội đồng thi, điểm thi ở các địa phương từ khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển. Công tác thanh tra thi chú ý tại các điểm nóng, có thông tin phản ánh tiêu cực và các nơi có địa hình khó khăn, phức tạp.
Điều đáng mừng trong công tác phối hợp với thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong công tác thanh tra thì thanh tra một số sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu giám đốc sở GD&ĐT có văn bản đề nghị với Thanh tra tỉnh hướng dẫn Thanh tra huyện (thị xã, thành phố) nội dung thanh tra hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo thẩm quyền, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính cho cộng tác viên thanh tra giáo dục, cán bộ, công chức thanh tra của sở GD&ĐT.
Cũng theo báo cáo, với kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra và theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Trong 06 năm thi hành Luật Thanh tra, Bộ GD&ĐT không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra tại địa phương. Những kết quả đạt được trong 6 năm thi hành Luật Thanh tra được các đại biểu đáng giá cao. Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản như: Nhận thức về vị trí, vai trò, cách thức tổ chức và hoạt động ở nhiều nơi còn hạn chế, nhất là ở các cơ sở giáo dục đại học.
Nội dung thanh tra của một số Sở chưa phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn dùng thanh tra chủ yếu để giám sát, duy trì nề nếp dạy học mà chưa chú trọng thanh tra mang tính chất quản lý. Việc sử dụng một số công cụ quan trọng như xử phạt vi phạm hành chính chưa được triển khai ở nhiều nơi.
Lực lượng cán bộ thanh tra còn mỏng (ví dụ: Thanh tra Bộ GD&ĐT mới có 30 người, một số Sở chỉ có 3,4 cán bộ thanh tra), tính chuyên nghiệp chưa cao. Đội ngũ thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học thiếu ổn định, thiếu chuyên nghiệp, chưa rõ về quyền và nhiệm vụ. Việc thanh tra giáo dục ở cấp huyện rất khó khăn do lực lượng thanh tra huyện mỏng lại phải đảm đương nhiều việc. Việc thanh tra cơ sở giáo dục đại học của các bộ, tỉnh còn lúng túng, chưa thường xuyên…
Cũng trong Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Quyết định tặng bằng khen cho 14 tập thể và 34 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai Luật Thanh tra./. Mỹ Anh
(Nguồn: http://www.dangcongsan.vn)