Chi tiết tin - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
Để thanh tra song hành với những yêu cầu đổi mới giáo dục
GD&TĐ - Vừa qua tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ trong năm học mới. Nhân dịp này, Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT – về kết quả nổi bật của công tác thanh tra Giáo dục năm học vừa qua, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung cho năm học mới. Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết:
Thanh tra GD được hình thành từ rất sớm, luôn gắn bó với các hoạt động của ngành. Tuy nhiên, có một thời gian dài trước đây thanh tra GD còn nặng về thanh tra chuyên môn, đi vào những sự vụ cụ thể của các cơ sở GD, những việc rất cụ thể của hoạt động sư phạm nhà giáo. Xét về góc độ pháp lý, điều này chưa phù hợp với Luật Thanh tra.
Từ thực tế đó, cùng với những yêu cầu mới, nhất là để phù hợp với yêu cầu đổi mới quản lý GD, trong 3 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã triển khai đổi mới công tác thanh tra GD, chuyển từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý.
Trong năm học 2016 - 2017, công tác thanh tra của ngành đã có một số dấu ấn đặc biệt so với các năm trước. Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị về công tác thanh tra GD giúp thống nhất nhận thức và chỉ đạo công tác này trong toàn ngành. Cùng với đó, cũng lần đầu tiên Bộ tổ chức Hội nghị về công tác thanh tra toàn quốc tại 63 điểm cầu với hơn 4.000 đại biểu từ các Phòng GD&ĐT đến thanh tra huyện, thanh tra Sở, thanh tra tỉnh và lãnh đạo các Sở GD&ĐT, UBND các tỉnh.
Có thể nói, sau một số năm triển khai thực hiện đổi mới thì năm vừa qua đã khẳng định sự đúng đắn của việc đổi mới công tác thanh tra đồng thời mở ra giai đoạn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hiệu quả thanh tra GD.
Cùng với toàn ngành, công tác thanh tra GD đã và đang có những đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, thưa ông?
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong năm vừa qua công tác thanh tra GD khối sở GD&ĐT đã có những chuyển biến rất tích cực. Các Sở đã tập trung xây dựng kế hoạch thanh tra theo đúng hướng chỉ đạo. Về số cuộc có thể giảm đi, nhưng hoạt động thanh tra đã có trọng tâm trọng điểm, nhằm vào những vấn đề quản lý tác động đến hệ thống.
Chẳng hạn khi văn bản được ban hành, các cơ sở GD có thể có cách hiểu khác nhau, thông qua hoạt động thanh tra sẽ giúp cơ sở, hướng dẫn các cơ sở hiểu và triển khai thực hiện cho đúng. Hoặc trước những vấn đề dư luận bức xúc, những điểm nóng trong ngành dễ phát sinh tiêu cực như: dạy thêm học thêm, thu nộp đầu năm, văn bằng chứng chỉ, liên kết đào tạo… là những vấn đề cần được ưu tiên tập trung thanh tra.
Bên cạnh đó là hoạt động đặc trưng của thanh tra GD như công tác thanh tra thi cũng đã có nhiều đổi mới trong năm vừa qua. Từ thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và sự vào cuộc của thanh tra Sở, sự tham gia của các trường ĐH. Đó là sự đổi mới rất rõ nét trong cách tổ chức công tác thanh tra thi nói riêng và thanh tra GD nói chung. Nếu nói về số cuộc thanh tra thì có giảm đi, nhưng tác động xã hội, tác động quản lý lại rõ rệt hơn.
Yêu cầu mới về nhân sự thanh tra GD
Như vậy có thể nói công tác thanh tra đã từng bước triển khai có chất lượng và hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến, có một việc rất quan trọng là kiện toàn đội ngũ thanh tra. Vấn đề này đang được Bộ GD&ĐT triển khai ra sao?
Ngay từ khi xác định đổi mới công tác thanh tra GD từ 3 năm trước, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT tập trung kiện toàn đội ngũ thanh tra. Ở đây có hai chủ thể trực tiếp:
Một là, kiện toàn đội ngũ thanh tra viên, tức những nhân sự chuyên nghiệp làm công tác thanh tra ở cấp Sở. Lực lượng thanh tra GD ở cơ sở cũng đã có nhiều đổi mới theo yêu cầu mới về công tác thanh tra của ngành, từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý. Các sở đã chú ý chuẩn hóa đội ngũ với ưu tiên trước hết là những người có chuyên môn thanh tra, hoặc đã được qua lớp học nghiệp vụ thanh tra trước khi được bổ nhiệm làm công tác thanh tra để hoạt động ổn định.
Thứ hai là đẩy mạnh xây dựng lực lượng cộng tác viên thanh tra. Các sở đã cơ cấu lại đội ngũ cộng tác viên theo cấp học trong đó phần đông là cán bộ quản lý giáo dục. Thống kê cho thấy trong năm học 2016 - 2017, số lượng cộng tác viên thanh tra GD toàn ngành vào khoảng 15.500 người.
Lực lượng này hết sức quan trọng, bởi chúng ta không thể nào có đủ cán bộ thanh tra. Trong các đoàn thanh tra bên cạnh thanh tra viên thì cần có các cộng tác viên thanh tra tham gia. Bộ đã ban hành Chương trình bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục và trường cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ chí Minh đã tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho hơn 7000 cộng tác viên.
Để công tác thanh tra GD đi vào thiết thực, hiệu quả
Một trong những điểm đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra vừa diễn ra, Bộ GD&ĐT đã rất thẳng thắn nhìn thẳng vào những tồn tại hạn chế, tìm ra nguyên nhân của tồn tại. Trên cơ sở đó, Bộ GD&TĐ đã xác định những phương hướng nào trong thời gian tới để đưa công tác thanh tra GD đi vào thiết thực và hiệu quả như mong muốn mà lãnh đạo ngành đã đặt ra?
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra vừa diễn ra đã, lãnh đạo bộ và các đại biểu đã trao đổi sâu sắc về nhiệm vụ công tác thanh tra năm học 2017 - 2018 do Bộ trưởng ban hành tại Công văn số 3936/BGDĐT-TTr ngày 28/8/2017, với 8 nhiệm vụ cụ thể liên quan đến thể chế, tổ chức, nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng… Các sở GD&ĐT cần tập trung quán triệt và thực hiện cả 8 nhiệm vụ cụ thể này.
Tuy vậy, năm nay Hội nghị cũng xác định ưu tiên tập trung 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với quan điểm nếu làm tốt 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ có tác động tổng thể đến hoạt động thanh tra. Các năm tiếp theo, tùy tình hình có thể chọn các nhóm giải pháp trọng tâm khác hoặc tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Khái quát về ba nhóm này như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 5972/CT-BGD ĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác thanh tra GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Cần xác định rõ vị trí, vai trò của công tác thanh tra GD trong đổi mới quản lý nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra nhất là trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Hai là, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác thanh tra giáo dục, các sở giáo dục và đào tạo cần xây dựng vị trí việc làm của thanh tra trong đó có chánh thanh tra, các phó chánh thanh tra và công chức thanh tra phụ trách các mảng hoạt động gắn với chức năng quản lý nhà nước của sở. Trên cơ sở đó, bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ và bảo đảm sự ổn định của lãnh đạo cũng như đội ngũ thanh tra.
Ba là, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành. Nội dung thanh tra cần tập trung vào các vấn đề mới, vấn đề dễ mắc sai sót, tiêu cực, vấn đề nóng được xã hội quan tâm.
Đặc biệt, quan tâm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc thanh tra nhằm giải quyết căn bản vấn đề thu nộp kinh phí sai quy định, vấn đề dạy thêm, học thêm, vấn đề dân chủ trong nhà trường. Tiến hành theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra được thực hiện trong thực tế.
Trong 3 nhóm này, nhóm vấn đề thứ nhất nhằm tác động vào nhận thức và thể chế. Nhóm vấn đề thứ hai tập trung vào con người. Nhóm vấn đề thứ ba tập trung vào chuẩn hóa hoạt động thanh tra. Để thực tốt các nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi sự vào cuộc thực sự quyết liệt của Giám đốc các sở GD&ĐT.
Thanh tra Bộ sẽ là lực lượng nòng cốt, bên cạnh việc hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với thanh tra Sở, cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, thanh tra trực tiếp một số vấn đề, đồng thời sẽ thanh tra công tác thanh tra của các Sở, để bảo đảm việc tổ chức triển khai được nghiêm túc, hiệu quả và chủ động ở ngay từ các địa phương.
Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: giaoducthoidai.vn)