Chi tiết tin - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
"Lò ấp" tiến sĩ, thạc sĩ: Học viện Khoa học xã hội phản hồi kết luận Thanh tra Bộ GD&ĐT
Dân trí Vừa qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT có kết luận thanh tra tại Học viện Khoa học Xã hội, trong đó nêu một số sai phạm nghiêm trọng về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ gây xôn xao dư luận. Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện KHXH về vấn đề này.
Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết đơn vị tự xác định chỉ tiêu đào tạo tại nhiều khối ngành vượt quá năng lực, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Để thống nhất quản lý công tác đào tạo sau đại học về khoa học xã hội và nhân văn tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) ngày 10 tháng 01 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 35/QĐ-TTg thành lập Học viện Khoa học xã hội. Tại Điều 2 của Quyết định trên quy định chức năng và nhiệm vụ của Học viện KHXH: - Đào tạo và cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Sau khi Học viện Khoa học xã hội được thành lập, tháng 5 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ quản lý thống nhất đào tạo các chuyên ngành tiến sĩ và chuyên ngành thạc sĩ đã và đang ở các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam về Học viện Khoa học xã hội kèm theo chỉ tiêu đào tạo.
Hằng năm, trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Khoa học xã hội, Học viện Khoa học xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo cho từng trình độ đào tạo. Do yêu cầu nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội mang tính đa ngành, liên ngành và xuyên ngành khoa học xã hội, nên việc xác định một Giảng viên của khối ngành này hay khối ngành khác của Học viện Khoa học xã hội nhiều khi mang tính tương đối.
Từ khi Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giáo dục Đào tạo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học được ban hành, hàng năm, trên cơ sở năng lực về đội ngũ giảng viên cơ hữu, Học viện Khoa học xã hội đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các quy định của Thông tư trên.
Vậy còn chương trình đào tạo của đơn vị không đảm bảo một số yêu cầu mà quy chế quy định. Đặc biệt, Học viện chưa xây dựng ban hành xây dựng chuẩn đầu ra với chuyên ngành tiến sĩ?
Ngay sau khi Học viện Khoa học xã hội (KHXH) được thành lập, ngày 27 tháng 4 năm 2011, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã ký Quyết định số 653/QĐ-KHXH ban hành Quy chế đào tạo sau đại học tại Học viện KHXH. Tại Điều 58 và Điều 68 của Quy chế trên đã quy định yêu cầu của luận án tiến sĩ (chuẩn đầu ra). Trong quá trình đào tạo, đã từng có những nghiên cứu sinh phải bảo vệ lại luận án do không đáp ứng những yêu cầu (chuẩn đầu ra) theo quy định của Học viện Khoa học xã hội.
Khi Thông tư 07/2015/BGDDT ngày 16/04/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được ban hành cho đến tháng 8 năm 2016, do chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp thiết và do nguyên nhân khách quan và chủ quan, Học viện Khoa học xã hội chưa kịp thời bổ sung, cập nhật Chương trình đào tạo tiến sĩ.
Từ tháng 09/2016, Học viện đã tiến hành rà soát các Chương trình đào tạo của các ngành Tiến sĩ và đã điều chỉnh Chương trình đào tạo đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu, kỹ năng, chuẩn đầu ra theo quy định tại Thông tư trên. Hiện nay, các NCS đã được xét tuyển từ tháng 08 năm 2015 trở lại đây đều đã và đang được học bổ sung các học phần theo quy định để đảm bảo chuẩn đầu ra và chất lượng đào tạo của Học viện Khoa học xã hội.
Thừa nhận nhiều thành viên Hội đồng không đúng chuyên ngành
Với nhiều điểm bất cập như phân công người hướng dẫn học viên không cùng ngành/chuyên ngành (có người chuyên ngành kinh tế nhưng lại hướng dẫn chuyên ngành quản lý giáo dục), một người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên; tuyển sinh tiến sĩ với học viên không đúng chuyên ngành; Hội đồng đánh giá luận văn không đúng chuyên ngành,… Liệu chất lượng của những luận văn này có đảm bảo?
Từ trước đến nay, người hướng dẫn khoa học và thành viên trong Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở các chuyên ngành đào tạo tại Học viện đều là các nhà khoa học cùng chuyên ngành.
Căn cứ vào Điều 27 và Điều 28 của Thông tư số 15/2015/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, quy định về Hướng dẫn luận văn và điều kiện bảo vệ luận văn, Hội đồng đánh giá luận văn đều yêu cầu người hướng dẫn luận văn phải am hiểu lĩnh vực của đề tài (thậm chí đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng thì người hướng dẫn 2 có thể có học vị thạc sĩ nhưng có 15 năm kinh nghiệm làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực của đề tài) và trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học không cùng ngành đào tạo nhưng rất am hiểu và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu.
Do đó, trong một số trường hợp, Học viện đã mời những nhà khoa học đó tham gia Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ. Ví dụ như: PGS.TS. Lê Phước Minh có học vị tiến sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế; hiện nay giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục được mời tham gia đánh giá luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó một số chuyên ngành như Nhân học được hình thành từ chuyên ngành Dân tộc học. Do đó các nhà khoa học ở chuyên ngành Dân tộc học hoàn toàn có thể tham đánh giá luận văn, luận án của ngành Nhân học.
Trong quá trình đào tạo tại Học viện, đã có một số Hội đồng đánh giá luận án còn có thành viên của Hội đồng mặc dù có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu nhưng không cùng chuyên ngành.
Nhận thức được điều này, từ tháng 09/2016 đến nay, Ban Giám đốc của Học viện khoa học xã hội đã kịp thời chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện.
Đã tiến hành, xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân
Trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra những sai phạm này? Học viện sẽ thực hiện những kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT liên quan đến những sai phạm này như thế nào?
Trước khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện công tác thanh tra tại Học viện, ngay từ đầu năm 2016, Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Nghị quyết số 02/2016/NQ-ĐƯ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về công tác đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội
Thực hiện Nghị quyết trên, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bổ nhiệm GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giữ chức vụ Giám đốc Học viện Khoa học xã hội kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.
Tiếp theo đó, trong năm 2016, Học viện Khoa học xã hội đã tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm một số tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trong công tác đào tạo tại Học viện KHXH.
Giám đốc Khoa học xã hội đã bổ nhiệm một số Trưởng Khoa mới; thay đổi nhân sự tại Phòng Quản lý đào tạo; thuyên chuyển công tác các Trợ lý đào tạo của các Khoa để xảy ra sai phạm nhằm ổn định tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của Học viện.
Trong thời gian tới, thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đào tạo tại Học viện khoa học xã hội theo Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn việc Giám đốc Học viện, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thì sẽ hạn chế trong công tác giám sát, quản lý, thậm chí “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Thực hiện một trong ba chức năng quan trọng nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật, Học viện Khoa học xã hội với nhiệm vụ là quản lý thống nhất các cơ sở đào tạo sau đại học tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Bởi vậy, để thực hiện chức năng này, Đảng ủy và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giao cho một Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiêm nhiệm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội.
Do đặc thù của Học viện khoa học xã hội, phần lớn Giảng viên cơ hữu hàng ngày làm việc tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành và nhiều Giảng viên trong số đó giữ các trọng trách trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Chủ nhiệm Khoa hầu hết là Viện trưởng các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bởi vậy, để thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội phải là một Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Với sứ mạng của một Trường Đại học nghiên cứu và chỉ đào tạo sau đại học về khoa học xã hội nên việc kết hợp nghiên cứu với đào tạo theo hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành luôn được chú trọng và đẩy mạnh. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đồng thời là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế và phát huy được toàn bộ tiềm năng nghiên cứu và đào tạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Để thực hiện việc giám sát điều hành của Ban Giám đốc Học viện KHXH, ngày 15 tháng 9 năm 2016, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã ra Quyết định số 1909/QĐ-KHXH về việc thành lập Hội đồng Học viện Khoa học mới gồm 15 thành viên do Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam làm Chủ tịch.
Hội đồng Học viện thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 của Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hội đồng Học viện thực hiện công tác giám sát các hoạt động của Học viện KHXH.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh