Danh mục - mục tin liên kết
Danh mục - mục tin liên kết
Danh mục - mục tin liên kết

Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020”

15:40, Thứ Năm, 19-10-2017

Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020”

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu

đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020”

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 232/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án và văn bản cá biệt năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” với những nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Tăng cường năng lực thanh tra giáo dục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh tra giáo dục đi đôi với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

b) Tăng cường năng lực thanh tra giáo dục thể hiện cụ thể qua việc tăng cường các yếu tố cơ bản đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra, cơ chế đánh giá hiệu quả thanh tra giáo dục và tương quan với các công cụ quản lý giáo dục khác; tăng cường phân cấp trong hoạt động thanh tra.

c) Tăng cường năng lực thanh tra giáo dục gắn liền với quá trình đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hoạt động thanh tra bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và việc chấp hành các văn bản, quy định chỉ đạo của ngành.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cách thức hoạt động, tăng cường các điều kiện đảm bảo nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ và hoạt động thanh tra mang tính đặc thù của ngành Giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với việc thực hiện 09 nhiệm vụ và 05 giải pháp cơ bản của ngành giáo dục.

b) Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động của thanh tra giáo dục và rà soát, bổ sung hệ thống chế tài xử lý vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; xây dựng quy trình, nghiệp vụ đối với hoạt động thanh tra, xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy Thanh tra Bộ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ thanh tra, xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng trong ngành giáo dục. Bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục. Đảm bảo 100% công chức thanh tra Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học được bồi dưỡng và tập huấn hàng năm về nghiệp vụ thanh tra; 100% cộng tác viên thanh tra giáo dục được bồi dưỡng cơ bản về nghiệp vụ thanh tra.

- Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo của hoạt động thanh tra giáo dục.

- 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng về công tác thanh tra, kiểm tra. Nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thanh tra, kiểm tra,  xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế cho hoạt động thanh tra giáo dục

a) Nâng cao nhận thức

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thanh tra, về vị trí, vai trò và nội dung đổi mới thanh tra giáo dục thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo và phát hành các tài liệu phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục.

- Đưa nội dung về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ thanh tra vào chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra về công tác thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá về công tác thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.

b) Hoàn thiện thể chế

- Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch và tổ chức sửa đổi, bổ sung các văn bản về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thứ tự ưu tiên trong đó quan tâm một số văn bản sau:

+ Kiến nghị sửa Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra giáo dục theo hướng phân cấp rõ các Bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra giáo dục; giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho một số đơn vị thuộc Bộ, Phòng Giáo dục và Đào tạo.

+ Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng bổ sung các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả.

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng quản lý thống nhất công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo.

+ Phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng hướng dẫn về thanh tra hành chính đối với các cơ sở giáo dục thuộc các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng quy định về biên chế thanh tra, cơ sở vật chất, việc sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi sau thanh tra.

+  Sửa đổi, bổ sung quy định về Chương trình bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các đối tượng; quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ của cơ sở giáo dục đại học; quy định về phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

+ Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của một cuộc thanh tra.

- Tổ chức rà soát, bổ sung một số chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tạo công cụ cho việc xử lý đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục.

2. Kiện toàn cơ cấu tổ chức, đội ngũ công chức thanh tra giáo dục; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ và hoạt động thanh tra

a) Về tổ chức bộ máy

- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP theo hướng giao cho một số cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

- Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ; đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Phòng để hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ theo quy định của Luật thanh tra và của ngành.

- Tăng cường hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm Thanh tra Sở được tổ chức chặt chẽ, ổn định, có số lượng và cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục của Sở.

- Chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức của thanh tra nội bộ các trường trực thuộc Bộ. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ theo quy định.

b) Về công chức thanh tra

- Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá cơ cấu, số lượng, năng lực, trình độ của đội ngũ công chức thanh tra và cộng tác viên thanh tra trong toàn ngành; phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra tổ chức đào tạo để bổ nhiệm ngạch thanh tra cho công chức ở các cơ quan thanh tra giáo dục.

- Rà soát, đánh giá và sắp xếp, bố trí đội ngũ công chức Thanh tra Bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đổi mới. Xây dựng vị trí việc làm theo các nhóm: Lãnh đạo; chuyên trách công tác thanh tra; chuyên trách xử lý sau thanh tra; chuyên trách công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chuyên trách công tác phòng, chống tham nhũng; chuyên trách công tác tổng hợp và các công tác khác.

- Tăng số lượng thanh tra viên của Thanh tra Bộ lên 45 người theo hướng điều chuyển công chức có kinh nghiệm thực tế từ các đơn vị thuộc Bộ hoặc từ các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục để làm công tác thanh tra hoặc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi từ các trường đào tạo chuyên ngành Luật. Bổ sung, tăng số lượng Phó Chánh Thanh tra Bộ là 03 người, trong đó: 01 người phụ trách thanh tra hành chính, 01 người phụ trách thanh tra chuyên ngành, 01 người phụ trách giải quyết khiếu nại tố cáo. Các phòng nghiệp vụ tối thiểu có từ 8-10 người trong đó mỗi phòng có đủ cơ cấu lãnh đạo 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng.

- Xây dựng hệ thống cộng tác viên thanh tra ở cơ quan Bộ và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ. Tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho các cộng tác viên thanh tra giáo dục toàn ngành.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo lại cho đội ngũ công chức thanh tra giáo dục của các Sở Giáo dục và Đào tạo; bồi dưỡng kiến thức cơ bản về thanh tra cho công chức thanh tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ thanh tra viên, Hiệu trưởng/Lãnh đạo các trường thuộc Bộ.

- Xây dựng cơ chế bồi dưỡng cán bộ nhằm thu hút cán bộ có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh làm công tác thanh tra. Xây dựng quy định và tổ chức thực hiện các quy trình thi đua, khen thưởng mang tính đặc thù của ngành thanh tra giáo dục.

3. Xây dựng quy trình nghiệp vụ thanh tra theo đặc thù của ngành

Xây dựng quy trình nghiệp vụ thanh tra theo tiêu chuẩn ISO đối với việc thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, có tác động lớn đến chất lượng giáo dục và các vấn đề dễ gây bức xúc trong xã hội nhằm thống nhất nội dung, cách thức tổ chức thanh tra, đảm bảo hoạt động thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật. Trong đó ưu tiên xây dựng một số quy trình sau đây:

a) Quy trình thanh tra thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục

Quy trình thanh tra gồm các bước phù hợp với nội dung thanh tra thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục như: Việc ban hành văn bản nội bộ theo thẩm quyền; thực hiện tự chủ về tổ chức, cán bộ; thực hiện tự chủ về tài chính, tài sản; thực hiện tự chủ về nhiệm vụ; việc tự thanh tra, kiểm tra và một số nội dung khác.

b) Quy trình thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục

Quy trình thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục gồm các bước phù hợp với các nội dung như: Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo quy định đối với từng cấp học, ngành học; đất đai, diện tích sàn xây dựng, thiết bị và cơ sở vật chất khác trực tiếp phục vụ đào tạo; việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và các điều kiện khác liên quan đến chất lượng giáo dục.

c) Quy trình thanh tra thi, tuyển sinh, xét tốt nghiệp

Quy trình thanh tra thi, tuyển sinh, xét tốt nghiệp gồm các bước phù hợp với các nội dung như: Việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; triển khai các khâu: chuẩn bị, tiến hành thi tuyển sinh; tổ chức thi, xét tốt nghiệp...

d) Quy trình thanh tra việc thực hiện nội dung, chương trình giáo dục

Quy trình thanh tra việc thực hiện nội dung, chương trình giáo dục gồm các bước phù hợp với các nội dung như: Xây dựng kế hoạch giáo dục; phân công giáo viên bảo đảm chuyên môn; quản lý chương trình giáo dục; sử dụng trang thiết bị giáo dục; đánh giá người học...

đ) Quy trình thanh tra việc in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ

Quy trình thanh tra việc in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ gồm các bước phù hợp với các nội dung như: Xây dựng mẫu văn bằng, chứng chỉ; tổ chức in (mua), quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; chống phôi giả; công khai, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo về văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

e) Quy trình thanh tra việc thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục

Quy trình thanh tra việc thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục gồm các bước phù hợp với các nội dung như: Cơ sở pháp lý của việc thu, chi; mục thu, chi; mức thu, chi; cách thu, chi học phí và các khoản kinh phí khác…

4. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thanh tra giáo dục

- Bổ sung các trang thiết bị chuyên dụng (máy tính xách tay, máy ghi âm, ghi hình, tủ bảo mật, các phần mềm chuyên dùng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân...). Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị bàn, ghế, tủ tài liệu của phòng tiếp công dân, các phòng làm việc của Thanh tra Bộ và các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động thanh tra, cho việc chi mua tin, trưng cầu chuyên môn, bảo vệ cán bộ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thanh tra, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

- Biên tập, xuất bản và phát hành các tài liệu nghiệp vụ thanh tra giáo dục theo từng chủ đề và từng đối tượng.

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về thanh tra giáo dục từ Thanh tra Bộ đến các Sở Giáo dục và Đào tạo và thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo công tác thông tin liên lạc, hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ thanh tra, trao đổi thông tin về hoạt động và kết quả hoạt động thanh tra được thường xuyên, kịp thời.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ hồ sơ phục vụ công tác thanh tra bảo đảm công khai, minh bạch; xây dựng hệ thống dữ liệu về các cuộc thanh tra, kiểm tra, các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu liên quan. Triển khai việc số hóa các văn bản, tài liệu lưu trữ để phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin qua mạng, ứng dụng chữ ký số để thay thế dần việc gửi văn bản giấy có chữ ký và dấu qua đường bưu điện bằng việc gửi văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng;

- Thực hiện cải cách hành chính. Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, kết nối từ Bộ đến các Sở, trường nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giáo dục.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế về thanh tra giáo dục

- Thiết kế lồng ghép cấu phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thanh tra, tăng cường hiệu lực hoạt động thanh tra trong các chương trình, dự án ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Nghiên cứu, xây dựng Dự án ODA về tăng cường năng lực thanh tra giáo dục của toàn ngành.

- Lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất, có năng lực đưa đi đào tạo ở nước ngoài; cử các đoàn đi học tập kinh nghiệm thanh tra giáo dục của một số nước có điều kiện tương đồng thông qua các quan hệ hợp tác song phương, đa phương.

- Mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong công tác thanh tra giáo dục, phòng chống tham nhũng đến trao đổi kinh nghiệm, triển khai hợp tác.

III. LỘ TRÌNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Lộ trình thực hiện

a) Từ năm 2017-2018

- Tổ chức rà soát hệ thống các văn bản pháp luật về hoạt động thanh tra giáo dục, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2013/NĐ-CP; quy định về thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học; quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục; quy định về công tác kiểm tra của Bộ và một số văn bản khác.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đối với thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nâng biên chế của cơ quan Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo lên 40 người. Kiện toàn cơ cấu tổ chức thanh tra nội bộ đối với các trường trực thuộc Bộ và xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra cơ quan Bộ.

- Khảo sát, đánh giá cơ cấu tổ chức, hoạt động, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thanh tra trong toàn ngành. Xây dựng khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ các ngạch thanh tra giáo dục, xác định vị trí việc làm của hệ thống thanh tra giáo dục.

- Trang bị các thiết bị chuyên dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho Thanh tra Bộ.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ cộng tác viên thanh tra; đưa nội dung thanh tra giáo dục vào các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

- Biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp tiến hành các cuộc thanh tra; tổ chức tập huấn cho cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục.

- Xây dựng phần mềm quản lý công tác thanh tra, thí điểm triển khai phần mềm quản lý ở cơ quan Bộ, 10 Sở Giáo dục và Đào tạo và 20 cơ sở giáo dục đại học.

- Cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm thanh tra giáo dục ở nước ngoài.

- Hàng năm, tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác thanh tra tại các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và các Sở Giáo dục và Đào tạo.

b) Từ năm 2019-2020

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đối với thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo số lượng cán bộ của cơ quan Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo 45 người. Kiện toàn cơ cấu tổ chức thanh tra nội bộ đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

- Tiếp tục bổ sung trang bị các thiết bị chuyên dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho Thanh tra Bộ.

- Hoàn thiện và phát hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp tiến hành các cuộc thanh tra. Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng của một cuộc thanh tra.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra giáo dục. Cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và cử công chức của Thanh tra Bộ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.

- Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý công tác thanh tra giữa Thanh tra Bộ với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục sư phạm.

- Xây dựng Dự án ODA về công tác thanh tra giáo dục.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá về kết quả của Đề án.

2. Kinh phí thực hiện Đề án

- Kinh phí thực hiện triển khai các nội dung nhiệm vụ của Đề án được dự toán từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, từ các nguồn thu hồi sau thanh tra, lồng ghép với các dự án, đề án khác.

- Dự toán kinh phí thực hiện ở Trung ương do Thanh tra Bộ chủ trì. Việc lập dự toán chi tiết hằng năm được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trên cơ sở nội dung Đề án đã được phê duyệt, hàng năm Thanh tra Bộ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Vụ Kế hoạch Tài chính thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

- Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ nội dung hoạt động của Đề án lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

- Kinh phí thực hiện Đề án của các Trường do các trường bố trí.

3. Tổ chức thực hiện

a) Thanh tra Bộ

- Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu của Đề án.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. Định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Thanh tra Chính phủ theo quy định.

- Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.

b) Vụ Tổ chức cán bộ

- Đề xuất cơ chế chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra Bộ.

- Chủ trì phối hợp Thanh tra Bộ xây dựng đội ngũ thanh tra đối với các trường trực thuộc và đội ngũ cộng tác viên thanh tra các đơn vị thuộc Bộ.

c) Vụ Pháp chế

Phối hợp với Thanh tra: tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác thanh tra và rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thanh tra.

d) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

Phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thanh tra Sở, thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục. Đưa nội dung thanh tra vào chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

đ) Vụ Kế hoạch Tài chính

Thẩm định dự toán kinh phí do Thanh tra Bộ đề xuất hằng năm, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Đề án cho Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án theo quy định.

e) Cục Hợp tác quốc tế

Chủ trì, phối hợp với Thanh tra đề xuất thực hiện hợp tác quốc tế về thanh tra. Chủ trì bổ sung cán bộ Thanh tra tham gia các đoàn công tác nước ngoài cho phù hợp.

g) Cục Công nghệ thông tin

Chủ trì, phối hợp với Thanh tra xây dựng phần mềm, tổ chức tập huấn triển khai phần mềm quản lý công tác thanh tra.

h) Các Vụ, Cục và đơn vị thuộc Bộ

Chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu trong Đề án phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình; hằng năm báo cáo kết quả thực hiện qua Thanh tra Bộ.

i) Các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ

- Xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu của Đề án.

- Kiện toàn tổ chức, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng để thực hiện mục tiêu của Đề án.

- Hàng năm sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý cấp trên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

File văn bản

Các tin khác