Thưa ông, với những địa phương thiếu hụt nhân lực làm thi THPT quốc gia, đặc biệt là về đội ngũ thanh tra thi, như Sơn La, Hòa Bình thì đến thời điểm này đã được khắc phục ra sao?
Sáng nay, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hòa Bình và người phụ trách thanh tra của Sở GD-ĐT Sơn La đã báo cáo cho tôi biết những kiến nghị mà đoàn kiểm tra của Bộ khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia ở hai tỉnh này, đã được khắc phục. Tuy nhiên, không chỉ ngồi nghe báo cáo, chúng tôi sẽ cử đoàn thanh tra của Bộ lên hai tỉnh này cắm chốt ở đó để trực tiếp hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
Đoàn thanh tra cắm chốt của Bộ sẽ làm những việc gì?
Thanh tra Sở thì họ sẽ trực tiếp thanh tra từng điểm thi, từ điểm trưởng trở xuống nhưng đoàn thanh tra của Bộ thì thanh tra từ chủ tịch hội đồng thi của tỉnh, trong đó thanh tra cả công tác thanh tra của sở GD-ĐT. Mục tiêu của đoàn thanh tra cắm chốt này là nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời những địa phương có khó khăn đặc thù, giúp họ làm đúng chứ không đặt vấn đề thanh tra của Bộ phải cụ thể được đến từng phòng thi.
Sau những sai phạm xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, công tác thanh tra sẽ được tiến hành như thế nào để tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc tâm lý nể nang?
Để tổ chức một kỳ thi thành công đòi hỏi phải có sự nghiêm túc ở rất nhiều khâu, trong đó thanh tra, kiểm tra là khâu quan trọng. Rút kinh nghiệm từ những sai phạm ở kỳ thi năm ngoái, năm nay Bộ GD-ĐT đã sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến các sở GD-ĐT.
Khả Hòa
Ngoài nội dung chỉ đạo thanh tra ở cả ba khâu: chuẩn bị, coi thi, chấm thi, điểm mới năm nay là Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ cách thức tổ chức thanh tra như thế nào, đặc biệt là yêu cầu rà soát kỹ đội ngũ này với hai yêu cầu bắt buộc: Người có trách nhiệm và phải được tập huấn kỹ, tránh tình trạng khi thanh tra mà không nắm được nội dung thanh tra, có thái độ thiếu nghiêm túc.
Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các địa phương không điều động những người liên quan đến tiêu cực ở kỳ thi năm ngoái làm công tác thanh tra. Theo chỉ đạo của Bộ, ở tất cả các điểm thi trên cả nước đều phải bảo đảm ít nhất mỗi điểm thi có 2 cán bộ thanh tra, trong đó có 1 cán bộ của trường đại học.
Bộ có tiến hành thanh tra đột xuất hay không, thưa ông?
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, khác với hoạt động thanh tra ở các lĩnh vực khác, thanh tra thi chủ yếu đánh giá những việc đang diễn ra. Bởi vậy, mục tiêu chính của công tác thanh tra là giúp những thành viên tại điểm thi làm đúng nhiệm vụ của mình. Việc thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề cần phải nhắc nhở, chấn chỉnh tại chỗ, từ đó có báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để có sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Nguồn: thanhnien.vn