Chi tiết tin - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thận trọng, khách quan, đúng pháp luật
Theo đó, có41 hồ sơ ứng viên GS, PGS chưa đủ điều kiện để công nhận. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trao đổi một số thông tin xung quanh kết quả này.
- Ông có thể cho biết quá trình làm việc của Thanh tra Bộ GD&ĐT để dẫn đến kết quả 41 hồ sơ chưa đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?
Thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao, Thanh tra Bộ đã chủ trì kiểm tra hồ sơ của 94 ứng viên GS, PGS theo danh sách Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cung cấp.
Chúng tôi đã tập trung xem xét thận trọng, khách quan và đối chiếu quy định của pháp luật để nhận định đối với từng trường hợp. Trước hết, Đoàn kiểm tra đã tổ chức rà soát hồ sơ từng ứng viên; có văn bản đề nghị từng ứng viên giải trình, làm rõ những vấn đề trong hồ sơ; gửi yêu cầu đến các cơ sở giáo dục có chứng nhận giờ giảng cho ứng viên, báo cáo về việc ứng viên đã giảng dạy tại trường mình. Chúng tôi đã chia thành 6 nhóm, đi đến các cơ sở có những vấn đề cần xác minh.
Thực tế, có những ứng viên giảng dạy tại 4-5 cơ sở; có cơ sở xác nhận cho 4 -5 ứng viên, do đó, chúng tôi chọn cơ sở nào có nhiều ứng viên, chỗ nào cần làm rõ, tổ chức làm việc trực tiếp với ứng viên. Một số ứng viên gọi điện chia sẻ, trao đổi làm rõ vấn đề trước khi báo cáo, giải trình.
Trên cơ sở những thông tin ban đầu như vậy, Thanh tra Bộ đã báo cáo Bộ trưởng và Bộ trưởng đề nghị Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cùng chúng tôi làm việc với các Hội đồng ngành trước khi đi đến kết luận cuối cùng: đề nghị công nhận 53 ứng viên và không công nhận 41 ứng viên.
- Đâu là nguyên nhân chính khiến 41 hồ sơ ứng viên không đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, thưa ông?
Chúng tôi không có thẩm quyền, không có khả năng đánh giá về chuyên môn nhưng từ hồ sơ của ứng viên, thấy có các vấn đề như sau:
Hồ sơ của ứng viên không chuẩn xác, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (ứng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ và bản chụp kèm theo).
Khi xem xét các hồ sơ, nếu có sự không chuẩn xác nhỏ, mang tính kỹ thuật, chúng tôi chỉ ghi chép để rút kinh nghiệm. Nhưng những sai sót không chuẩn xác, ảnh hưởng đến bản chất vấn đề thì cần sử dụng để đánh giá. Ví dụ, quy định ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng và thanh lý hợp đồng hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ sở giảng dạy thì nhiều hồ sơ không có hợp đồng, hoặc có hợp đồng nhưng không có thanh lý hợp đồng; hợp đồng môn này nhưng thanh lý lại ghi môn khác; không có minh chứng đã thực giảng theo Hợp đồng; thậm chí làm mới hợp đồng cho nhiều năm trước đó... thì không có cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định ứng viên có giảng dạy hay không!
Có ứng viên kê khai là tác giả giáo trình trong hồ sơ để được tính điểm. Tuy nhiên, khi xác minh thì thấy giáo trình này chưa được người đứng đầu cơ sở giáo dục có quyết định lựa chọn sử dụng mà theo quy định của pháp luật thì chỉ được công nhận giáo trình khi người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học lựa chọn để sử dụng.
Có trường hợp vi phạm quy định thâm niên. Ví dụ, quy định GS, PGS phải tính giờ giảng đối với trình độ đại học trở lên thì có người kê khai cả giờ dạy chương trình bồi dưỡng chẳng hạn... Nếu trừ số giờ đó đi thì không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên theo quy định.
- Vậy là có trường hợp gian dối ở đây?
Nếu thanh tra thời gian dài, chúng ta phải kết luận rất kỹ càng về nguyên nhân, động cơ. Tuy nhiên, trong phạm vi kiểm tra, chúng tôi nhìn đầu tiên là về sự việc khách quan của hồ sơ để kết luận. Trong đề xuất của chúng tôi, chủ yếu dùng quy định "Ứng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ" hoặc quy định việc xác nhận thâm niên đào tạo phải “ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, khối lượng giảng dạy…” để đánh giá chứ chưa đi sâu về đánh giá động cơ.
Có điều đáng tiếc là nhiều nhà khoa học của chúng ta chưa bám sát các quy định về thỉnh giảng đã được quy định trong Thông tư 44/2011/TT-BGDDT, chưa chú trọng việc xác lập và lưu trữ hồ sơ, thậm chí ký cả ký vào các văn bản không đúng sự thật… dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra.
- Từ sự việc này, ông có kiến nghị, đề xuất gì trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?
Chúng tôi đã kiến nghị một số vấn đề sau:
Một là, Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về xét GS, PGS thay cho quy định hiện hành.
Hai là, kiến nghị Bộ GD&ĐT có hình thức chấn chỉnh các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt các quy định về thỉnh giảng, không thận trọng hoặc có vi phạm trong việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.
Ba là, kiến nghị Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có giải pháp rút kinh nghiệm đối với các Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành - liên ngành có hồ sơ ứng viên chưa đảm bảo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
- Vì sao 41 người không được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017? (03/04/2018)
- Tiếp tục tổ chức công tác thanh tra năm học và thực hiện Đề án tăng cường năng lực thanh tra (05/02/2018)
- CHI HỘI LUẬT GIA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHẬN CỜ THI ĐUA NĂM THỨ HAI LIÊN TIẾP (12/01/2018)
- Hội nghị toàn quốc Tổng kết Luật thanh tra, Luật tiếp công dân (07/01/2018)
- Giấy mời dự Hội nghị tổng kết công tác thanh tra thi THPT Quốc gia năm 2017 (05/12/2017)
- Báo cáo kết quả thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (25/10/2017)
- Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” (19/10/2017)
- Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra nội bộ năm học 2017 - 2018 đối với CSGDĐH, trường SP (03/10/2017)
- Bị hủy bỏ nếu không được phép hoạt động sau 02 năm thành lập (30/05/2017)
- Bị buộc thôi học, sinh viên đòi học lại (30/05/2017)