Danh mục - mục tin liên kết
Danh mục - mục tin liên kết
Danh mục - mục tin liên kết

Thanh tra, kiểm tra thi THPT quốc gia 2019: SẴN SÀNG TRƯỚC GIỜ G

0:0, Thứ Năm, 20-6-2019

GD&TĐ - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 được toàn ngành GD-ĐT cùng cả hệ thống chính trị tích cực chuẩn bị, triển khai để kỳ thi diễn ra được an toàn, đúng quy chế. Công tác thanh tra, kiểm tra thi là một khâu quan trọng trong việc phòng, chống gian lận thi cử.

Trong phòng thi Ảnh MH

GD&TĐ - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 được toàn ngành GD-ĐT cùng cả hệ thống chính trị tích cực chuẩn bị, triển khai để kỳ thi diễn ra được an toàn, đúng quy chế. Công tác thanh tra, kiểm tra thi là một khâu quan trọng trong việc phòng, chống gian lận thi cử.

Trước kỳ thi quan trọng này, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - xung quanh vấn đề thanh tra kiểm tra Kỳ thi.

Công tác chuẩn bị thi cơ bản đã hoàn tất

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra, xin ông cho biết tại thời điểm nước rút này công tác thanh tra, kiểm tra chuẩn bị cho kỳ thi đã được triển khai ra sao để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của Bộ GD&ĐT với kỳ thi?

Để chuẩn bị cho việc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thanh tra theo quy chế thi và các văn bản về công tác thanh tra. Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và các lực lượng tranh tra của các Sở GD&ĐT một cách cụ thể. Thanh tra Bộ đã thành lập một số đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các Sở, trong đó có kiểm tra công tác thanh tra. Từ đó, kịp thời chấn chỉnh góp ý giúp cho việc chuẩn bị kỳ thi được chu đáo, đúng quy chế.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

Qua kiểm tra bước đầu cho thấy các Sở GD&ĐT đã bám sát quy chế, đặc biệt những điểm mới trong kỳ thi năm nay để triển khai công tác thi. Ví dụ như vấn đề sắp xếp thí sinh giáo dục thường xuyên chung với các thí sinh khác, vấn đề lắp camera tại điểm coi giữ bài thi… đã được quan tâm triển khai. Nhiều địa phương đã tổ chức rất nghiêm túc với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh Ban chỉ đạo thi của tỉnh, nhiều tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện hoặc cử các đồng chí lãnh đạo cấp huyện tham gia Ban chỉ đạo thi của tỉnh để giúp cho việc chỉ đạo các điểm thi tại các huyện đó được sát sao.

Có thể thấy công tác chuẩn bị cơ bản như: In sao đề thi, cơ sở vật chất, phối hợp các lực lượng, đặc biệt phối hợp giữa Sở GD&ĐT cùng các trường ĐH đã được triển khai nghiêm túc và đúng theo tiến độ của kế hoạch thi.

Thực tế cho thấy, việc gian lận thi cử năm 2018 xuất phát từ khâu chấm thi. Do vậy năm nay ở khâu quan trọng này công tác thanh tra sẽ tham gia ra sao?

Mấy năm qua Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh, kết quả thi đáng tin cậy, việc tổ chức thi năm 2018 đã triển khai đạt kết quả tích cực theo lộ trình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khâu chấm thi tại một số địa phương đã để xảy ra thiếu sót, vi phạm pháp luật nặng nề nên đã phần nào gây mất uy tín, niềm tin với xã hội. Đây là bài học, kinh nghiệm trong triển khai kỳ thi năm nay, trong đó có công tác thanh tra thi. Ý thức được điều này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo công tác thanh tra cụ thể hơn, sát sao hơn.

Năm nay, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng thanh tra trong khâu chấm thi. Nếu năm 2018, mỗi hội đồng chỉ có 2 cán bộ thanh tra từ các trường ĐH thì năm nay mỗi hội đồng chấm thi tăng cường thêm 1 chánh hoặc phó chánh thanh tra là thanh tra viên chính của Sở GD&ĐT nhưng không thanh tra tại địa phương của mình. Như vậy, mỗi đoàn sẽ có 3 người, kết hợp giữa cán bộ trường ĐH với thanh tra của tỉnh. Từ đó, sẽ vận dụng tốt chuyên môn của cán bộ thanh tra, tính khách quan của cán bộ trường ĐH..

Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị kỹ lưỡng hơn năm ngoái với sự phối hợp trực tiếp của Thanh tra và Cục Quản lý chất lượng, tập huấn để cán bộ nắm rõ quy trình tổ chức hoạt động chấm thi. Tránh tình trạng thanh tra không nắm rõ được việc, thanh tra đi làm việc mà như đi xem thi. Thanh tra Bộ cũng tổ chức một số đoàn giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra này theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở, các trường ĐH khi cử người tham gia vào kỳ thi phải có tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu công tác thi…

 

Công tác thanh tra đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức

và thực hiện nghiêm kỳ thi THPT quốc gia (Ảnh minh họa)

“Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”

- Gian lận thi cử bằng các thiết bị “công nghệ cao” trong các kỳ thi diễn ra nhiều năm trước đây luôn là vấn đề đáng quan ngại. Vậy, trong công tác thanh tra, kiểm tra năm nay Thanh tra Bộ có biện pháp gì để nhận diện, ngăn chặn những tồn tại trên?

Đây là câu chuyện đặt ra nhiều năm nay và thực tế đã được hạn chế khá nhiều. Quan điểm của Bộ GD&ĐT đây là việc khó, nếu để xảy ra sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, Bộ đã mời đại diện Cục Công nghệ cao (Bộ Công an) tham gia Ban chỉ đạo và lực lượng này sẽ trực tiếp phối hợp với Bộ GD&ĐT đề phòng trường hợp khi có tình huống xảy ra sẽ kịp thời xử lý.

Mặt khác, Thanh tra Bộ cũng phối hợp trực tiếp và có phương án xử lý khi có trường hợp xảy ra. Đối với cán bộ coi thi Bộ không yêu cầu phải biết hết về các thiết bị công nghệ cao, bởi thực tế khó có ai có thể biết hết được mà các thiết bị thì luôn theo chiều hướng tinh xảo, nhỏ gọn…

Thanh tra Bộ lưu ý cán bộ coi thi một số vấn đề như sau: Trước tiên, phải làm hết trách nhiệm của mình. Từ khâu gọi thí sinh vào phải kiểm soát chặt chẽ các thiết bị không được mang vào phòng thi. Trong quá trình coi thi phải tập trung cao độ, sát sao từ đầu đến cuối. Như vậy, khi thí sinh có động thái bất thường, cán bộ sẽ kịp thời phát hiện và xử lý ngay.

Cán bộ coi thi phải thường xuyên nhắc nhở thí sinh tập trung thi và cảnh báo nếu thí sinh có hành động gì đó không đúng quy chế sẽ bị phát hiện và đình chỉ thi. Từ đó, nâng cao ý thức của thí sinh tham dự kỳ thi. Khi phát hiện ra thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ, cán bộ coi thi phải phối hợp ngay với lực lượng chức năng, công an các điểm thi để thực hiện xử lý đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng đừng quá chú trọng đến “công nghệ cao” mà quên “công nghệ thấp” (Ví như: Khu vực thi gần cửa sổ, thí sinh có thể “búng” đề thi ra ngoài rất nhanh và từ đó sẽ lọt đề). Đã là tiêu cực thì tiêu cực nào cũng phải hạn chế, loại trừ chứ không kể công nghệ cao hay thấp.

- Với một số địa phương đã từng để xảy ra sai phạm gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 thì năm nay Thanh tra Bộ có tập trung hơn về giải pháp để ngăn chặn tiêu cực?

Một số địa phương năm 2018 để xảy ra sai phạm trong thi cử là điều đáng tiếc. Hiện nay, những người để xảy ra sai phạm đang được xem xét xử lý nghiêm minh. Năm nay, ở những địa phương này, lãnh đạo địa phương đã có nhiều giải pháp chống tiêu cực như: Tăng cường lực lượng, cán bộ liên quan không được tham gia hội đồng thi… Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế trước kỳ thi, Thanh tra Bộ nhận thấy lực lượng tại các địa phương trên mỏng, nhiều cán bộ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, Bộ chỉ đạo các trường ĐH tăng cường thêm lực lượng cho những đơn vị này.

Đối với công tác thanh tra, Bộ cũng sẽ tập trung cử đoàn thanh tra thậm chí cắm chốt tại các địa phương trên để giúp các địa phương nắm chắc và làm đúng quy chế, đạt kết quả tốt nhất.

 

Vui vẻ sau giờ thi

Với vai trò Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, ông có lưu ý gì đối với các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019?

Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi cũng như làm công tác thanh tra nói chung phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao, công tâm khách quan, nắm chắc quy chế, nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện công việc của thanh tra phải liên tục trong cả đợt thi (tránh trường hợp như năm 2018, có cán bộ vì công việc của trường đã bỏ về không báo cáo).

Mặt khác, trong hướng dẫn công tác thanh tra năm 2019 đã nêu rất rõ cán bộ thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm tại khu vực điểm thi của mình nếu vi phạm xảy ra. Vì vậy, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cần nắm rõ, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc.

Hiện nay các địa phương đã tổ chức tập huấn, Thanh tra bộ cũng tổ chức tập huấn và đang triển khai việc trực tiếp thanh tra. Tuy nhiên quy chế thi rất nhiều nội dung mới và một số địa phương giao việc tập huấn thanh tra cho các trường (các trường đại học phối hợp - PV) nên chất lượng tập huấn chưa thật sự đảm bảo. Bởi vậy, Thanh tra Bộ đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn trực tiếp cho các đoàn thanh tra. Cán bộ thanh tra cần nghiên cứu thật kỹ các quy chế, quy trình thanh tra, nắm rõ trách nhiệm thanh tra, kịp thời báo cáo những tình huống bất thường xảy ra để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo tăng cường giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ với nhiều nội dung gắn với hoạt động thanh tra. Cán bộ thanh tra thi phải quán triệt sâu sắc tinh thần công điện này để thực hiện nghiêm túc.

Cán bộ thanh tra phải đặc biệt lưu ý trong quá trình thanh tra phải làm đúng chức trách của mình, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”.

Thanh tra Bộ lưu ý cán bộ coi thi một số vấn đề như sau: Trước tiên, phải làm hết trách nhiệm của mình. Từ khâu gọi thí sinh vào phải kiểm soát chặt chẽ các thiết bị không được mang vào phòng thi. Trong quá trình coi thi phải tập trung cao độ, sát sao từ đầu đến cuối. Như vậy, khi thí sinh có động thái bất thường, cán bộ sẽ kịp thời phát hiện và xử lý ngay.

 

Đức Hạnh – Đăng Chung (thực hiện)

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Các tin khác